Sau 9 năm rời sàn chứng khoán, cổ phiếu BBT của Bông Bạch Tuyết quay lại niêm yết và có 7 phiên tăng trần liên tiếp, đẩy giá cổ phiếu tăng gấp 3 giá tham chiếu ngày đầu tiên.
Liên tục thua lỗ cách đây 10 năm đã buộc toàn bộ cổ phiếu BBT của Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết phải hủy niêm yết trên HoSE từ tháng 7/2008. Phiên giao dịch cuối cùng trên HoSE vào ngày 31/7/2009 đóng cửa ở mức giá sàn 5.400 đồng/cổ phiếu.
9 năm sau khi rời sàn, Bông Bạch Tuyết đã trở lại niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với tổng cộng 6,84 triệu cổ phiếu trên UPCoM vào ngày 12/6 vừa qua.
Ngay sau khi niêm yết trở lại, bất chấp thị trường có những biến động mạnh, cổ phiếu BBT đã có đà tăng kịch biên độ 7 phiên liên tiếp giúp thị giá cổ phiếu này tăng gấp 3 lần giá tham chiếu ngày giao địch đầu tiên. Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch hôm nay (20/6) cổ phiếu BBT được giao dịch với giá 7.100 đồng, tương đương vốn hóa công ty đạt gần 49 tỷ đồng, tăng gấp 3 so với định giá ban đầu.
Dù vậy, với đà tăng trần liên tiếp này, BBT cần 3 phiên nữa mới có thể quay trở lại mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu của mình.
Trong lần trở lại sàn chứng khoán lần này, thanh khoản của BBT lại tương đối “eo hẹp” với chỉ vài trăm cổ phiếu khớp lệnh một phiên. Tổng 7 phiên liên tiếp gần đây mới chỉ có hơn 35.000 cổ phiếu BBT được giao dịch khớp lệnh trên sàn, và 60.000 cổ phiếu được giao dịch sang tay với tổng giá trị giao dịch vỏn vẹn 437 triệu đồng.
Mới đây Bông Bạch Tuyết cũng đã công bố tài liệu cổ đông thường niên 2018 với kế hoạch doanh thu năm 2018 tăng 15% đạt 113 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận lại giảm 10%, đạt 13 tỷ do hết được chuyển lỗ và phải đóng thuế 20% theo quy định.
Ngoài ra, công ty này cũng dự kiến trình cổ đông kế hoạch phát hành cổ phần tăng vốn từ 68,4 tỷ đồng hiện nay lên 98 tỷ đồng. Doanh nghiệp chưa chốt thời gian thực hiện do vẫn đang chờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Công ty cũng đã và đang đàm phán với các chủ nợ để trả một phần nợ gốc và xin miễn, giảm lãi vay như Agribank, MaritimeBank, Bibica, MBBank… đồng thời tiếp tục đàm phán để tái cấu trúc các khoản nợ còn lại. Điều này giúp hoạt động công ty đã có lãi trở lại từ năm 2014.
Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2017, Bông Bạch Tuyết vẫn còn khoản lỗ lũy kế gần 62 tỷ đồng. Ban kiểm soát công ty cho biết tỷ lệ nợ trên tài sản vẫn còn ở mức rất cao (84%) nhưng đã được cải thiện so với những năm trước.
Trong lần trở lại sàn chứng khoán lần này, cơ cấu cổ đông Bông Bạch Tuyết xuất hiện cổ đông mới là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thừa Thiên Huế (Unimex Huế). Đây là đơn vị đã mua toàn bộ 2,88 triệu cổ phiếu BBT phát hành thêm với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Hiện Unimex Huế cũng là cổ đông lớn nhất nắm giữ tới 29% vốn tại BBT. Trong khi cổ đông lớn là Dệt may Gia Định từ chối không mua vì cho rằng mức giá quá cao.
Đây là công ty kinh doanh trong lĩnh vực đồ thời trang truyền thống, các sản phẩm thêu tay, may áo Kimono… để xuất khẩu. Công ty tham gia hợp tác, liên doanh liên kết với các đối tác đầu tư vào lĩnh vực đầu tư tài chính, kinh doanh bất động sản, xây dựng. Năm 2016, doanh thu của Unimex Huế là 130 tỷ đồng với lợi nhuận ròng 46 tỷ đồng.
Bông Bạch Tuyết là doanh nghiệp có tiếng nhất trong ngành sản xuất bông băng vệ sinh, y tế thập niên trước. Đây cũng là một trong những công ty đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán từ đầu năm 2004. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh xuống đốc đã buộc công ty phải rời sàn vài năm sau.